Xuất Ai Cập 1:1-22, Xuất Ai Cập 2:1-25, Xuất Ai Cập 3:1-22 VCB

Xuất Ai Cập 1:1-22

Người Ít-ra-ên tại Ai Cập

Sau đây là tên các con trai Gia-cốp đã đem gia đình theo cha vào Ai Cập: Ru-bên, Si-mê-ôn, Lê-vi, Giu-đa, Y-sa-ca, Sa-bu-luân, Bên-gia-min, Đan, Nép-ta-li, Gát, và A-se. Tổng số con cháu Gia-cốp theo ông lúc ấy là bảy mươi, còn Giô-sép đã ở Ai Cập từ trước.

Giô-sép và các anh em lần lượt qua đời. Nhưng con cháu họ sinh sôi nẩy nở rất nhanh chóng, trở thành một dân tộc lớn mạnh, tràn lan khắp vùng.

Lúc đó, Ai Cập có một vua mới. Vua này không biết gì về Giô-sép cả. Vua nói với dân chúng: “Người Ít-ra-ên có thể còn đông và mạnh hơn dân ta nữa. Nếu ta không khôn khéo đối phó và chặn đứng việc gia tăng dân số của họ, một mai chiến tranh bùng nổ, họ sẽ theo địch chống ta rồi kéo nhau đi hết.”

Vậy, người Ai Cập đặt ra cấp cai dịch để đốc thúc việc sưu dịch, bắt người Ít-ra-ên làm việc nặng nhọc, xây thành Phi-thông và Ram-se dùng làm kho của Pha-ra-ôn, vua Ai Cập. Nhưng càng bị hành hạ, họ càng sinh sôi nảy nở. Người Ai Cập lo hoảng, bắt họ làm việc càng thêm nhọc nhằn, làm cho đời họ đắng cay. Trong công việc nhồi đất, nung gạch và mọi việc đồng áng, họ bị đối xử cách cay nghiệt, bạo tàn.

Pha-ra-ôn, vua Ai Cập, ra lệnh cho các cô đỡ của người Hê-bơ-rơ là Siếp-ra và Phu-a phải giết tất cả các con trai sơ sinh của người Hê-bơ-rơ, còn con gái thì tha cho sống. Nhưng các cô đỡ kính sợ Đức Chúa Trời, bất tuân lệnh vua, không sát hại các con trai sơ sinh nhưng vẫn cứ để cho chúng sống.

Vua Ai Cập đòi các cô đỡ đến để tra hỏi lý do.

Các cô tâu: “Đàn bà Hê-bơ-rơ sinh nở rất dễ, không như đàn bà Ai Cập; khi chúng tôi đến nơi, họ đã sinh rồi.” Đức Chúa Trời ban phước cho các cô đỡ. Còn người Ít-ra-ên thì cứ gia tăng, ngày càng đông đúc. Và vì các cô đỡ kính sợ Đức Chúa Trời, Ngài cho họ có gia đình phước hạnh.

Sau đó, Pha-ra-ôn truyền lệnh cho toàn dân Ai Cập: “Ném tất cả các con trai sơ sinh của người Hê-bơ-rơ xuống sông Nin, nhưng tha cho con gái được sống.”

Read More of Xuất Ai Cập 1

Xuất Ai Cập 2:1-25

Môi-se Ra Đời

Bấy giờ, có một người thuộc đại tộc Lê-vi cưới một con gái Lê-vi làm vợ Họ sinh được một con trai. Thấy con mình xinh đẹp, người mẹ đem giấu đi suốt ba tháng. Đến khi không thể giấu lâu hơn nữa, người mẹ lấy một cái thúng cói, trét nhựa thông cho khỏi thấm nước, đặt đứa bé nằm bên trong, rồi đem thúng thả bên bờ sông Nin, trong đám lau sậy. Chị đứa bé đứng xa xa để trông chừng.

Một hôm, công chúa Ai Cập ra sông Nin tắm, còn các nữ tì dạo chơi dọc bờ sông. Công chúa chợt thấy cái thúng trong đám sậy, liền gọi các nữ tì vớt lên. Mở ra, thấy một bé trai đang khóc, công chúa động lòng thương, nói rằng: “Đây là con của người Hê-bơ-rơ.”

Chị đứa bé liền tiến lại đề nghị với công chúa: “Con đi tìm một người đàn bà Hê-bơ-rơ để nuôi em bé này cho công chúa nhá?”

Công chúa đáp: “Phải, đi đi.” Cô bé chạy đi gọi mẹ.

Công chúa bảo mẹ đứa trẻ: “Đem em bé này về nuôi cho tôi, tôi trả công cho.” Bà ẵm nó vào lòng, đem về nhà nuôi nấng.

Khi đứa trẻ đã khôn lớn, bà dẫn nó vào cung, công chúa Ai Cập nhận làm con, đặt tên là Môi-se,2:10 Tên Môi-se được phát âm giống như một chữ Hê-bơ-rơ có nghĩa là vớt ra vì nói rằng đã vớt nó ra khỏi nước.

Môi-se Trốn Đến Ma-đi-an

Thời gian thấm thoắt, Môi-se đã trưởng thành. Một hôm ông đi thăm các anh em đồng hương, thấy người Hê-bơ-rơ phải làm lụng cực nhọc. Ông cũng thấy một người Ai Cập đánh một người Hê-bơ-rơ, dân tộc của mình. Nhìn quanh chẳng thấy ai, Môi-se liền giết người Ai Cập rồi đem vùi thây trong cát.

Ngày hôm sau, ông lại ra thăm. Lần này Môi-se thấy hai người Hê-bơ-rơ đánh nhau. Ông nói với người có lỗi: “Đã là anh em, sao còn đánh nhau?”

Người đó hỏi vặn: “Anh là người cai trị, xét xử chúng tôi đấy à? Anh muốn giết tôi như anh giết người Ai Cập hôm qua sao?”

Môi-se biết việc đã lộ, nên lo sợ lắm. Việc đến tai Pha-ra-ôn, vua ra lệnh bắt Môi-se xử tử; nhưng ông trốn qua xứ Ma-đi-an.

Đến nơi, ông ngồi bên một cái giếng. Vừa lúc ấy, có bảy cô con gái của thầy tế lễ Ma-đi-an đến múc nước đổ vào máng cho bầy gia súc uống. Nhưng có một bọn chăn chiên đến đuổi các cô đi. Môi-se đứng ra bênh vực, rồi lấy nước cho bầy thú uống giùm các cô.

Khi Thầy Tế lễ Rê-u-ên thấy các con mình về, liền hỏi: “Sao hôm nay các con về sớm vậy?”

Các cô thưa: “Có một người Ai Cập giúp chúng con chống bọn chăn chiên, lại còn múc nước cho bầy thú uống nữa.”

Rê-u-ên hỏi: “Người ấy đâu? Sao các con bỏ đi như vậy? Ra mời anh ấy về dùng bữa.”

Môi-se đến, nhận lời ở lại với Rê-u-ên. Ông gả một trong bảy con gái là Sê-phô-ra cho Môi-se làm vợ. Họ sinh được một con trai, đặt tên là Ghẹt-sôn,2:22 Người ngoại quốc vì Môi-se nói: “Tôi ở nơi đất lạ quê người.”

Khi Môi-se ở Ma-đi-an, vua Ai Cập qua đời. Người Ít-ra-ên kêu ca ta thán vì cuộc đời nô lệ cùng khổ và khóc than với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời nghe tiếng kêu cứu của họ, nhớ lại lời Ngài đã hứa với Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp. Đức Chúa Trời đoái xem và thấu hiểu hoàn cảnh của con cháu Ít-ra-ên.

Read More of Xuất Ai Cập 2

Xuất Ai Cập 3:1-22

Môi-se và Bụi Gai Cháy

Một hôm, trong lúc đang chăn bầy chiên của ông gia là Giê-trô (cũng gọi là Rê-u-ên, thầy tế lễ Ma-đi-an), Môi-se đi sâu mãi cho đến phía bên kia hoang mạc, gần Hô-rếp, núi của Đức Chúa Trời. Bỗng, thiên sứ của Chúa Hằng Hữu hiện ra với ông như một ngọn lửa cháy giữa bụi cây. Môi-se thấy lửa phát ra từ bụi cây, nhưng bụi cây không bị cháy tàn. Môi-se tự nhủ: “Lạ thật, sao bụi cây vẫn không cháy tàn. Ta lại gần xem thử.”

Chúa Hằng Hữu thấy ông từ giữa bụi cây gọi ông: “Môi-se! Môi-se!”

Ông thưa: “Dạ, con đây.”

Chúa Hằng Hữu phán: “Đừng lại gần. Hãy cởi dép ra, vì nơi con đứng là đất thánh. Ta là Đức Chúa Trời của tổ tiên con, của Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp.” Môi-se liền lấy tay che mặt vì sợ nhìn thấy Đức Chúa Trời.

Chúa Hằng Hữu phán: “Ta biết hết nỗi gian khổ của dân Ta tại Ai Cập, cũng nghe thấu tiếng thở than của họ dưới tay người áp bức bạo tàn. Ta xuống giải cứu họ khỏi ách nô lệ Ai Cập, đem họ đến một xứ tốt đẹp, bao la, phì nhiêu, tức là đất của người Ca-na-an, Hê-tít, A-mô-rít, Phê-rết, Hê-vi, và Giê-bu hiện nay. Tiếng kêu van của người dân Ít-ra-ên đã thấu tận trời, và Ta đã rõ cách người Ai Cập áp bức dân Ta. Bây giờ Ta sai con đến gặp Pha-ra-ôn, bảo vua ấy để cho Ít-ra-ên ra khỏi Ai Cập.”

Môi-se thưa với Đức Chúa Trời: “Con là ai mà bảo được Pha-ra-ôn phải để cho người Ít-ra-ên ra khỏi Ai Cập?”

Đức Chúa Trời hứa: “Ta sẽ đi với con, và đây là bằng cớ chứng tỏ Ta sai con: Khi con đã đem dân Ta ra khỏi Ai Cập, con sẽ đến thờ lạy Ta trên chính núi này.”

Môi-se hỏi lại: “Khi con đến nói với người Ít-ra-ên: ‘Đức Chúa Trời của tổ tiên chúng ta sai tôi đến với anh em,’ nếu họ hỏi: ‘Tên Ngài là gì?’ Thì con sẽ trả lời thế nào?”

Đức Chúa Trời đáp cùng Môi-se: “Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đấng Tự Hữu đã sai con.” Đức Chúa Trời phán tiếp cùng Môi-se: “Con nói với họ rằng: ‘Chúa Hằng Hữu, Đức Chúa Trời của tổ tiên Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp, đã sai tôi đến với anh em.’

Chúa Hằng Hữu là tên vĩnh viễn của Ta,

tên được ghi tạc qua các thế hệ.”

Chúa Hằng Hữu phán bảo Môi-se: “Con cũng mời các bô lão Ít-ra-ên họp lại và nói với họ: Đức Chúa Trời của tổ tiên Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp đã hiện ra với tôi, sai tôi nói với các ông rằng: ‘Ta đã quan tâm đến các con, và thấy rõ những điều người Ai Cập đối xử với các con. Ta hứa chắc sẽ đem họ từ cảnh khổ nhục tại Ai Cập đến đất phì nhiêu của người Ca-na-an, Hê-tít, A-mô-rít, Phê-rết, Hê-vi, và Giê-bu.’

Họ sẽ nghe theo con. Các bô lão sẽ đi với con đến yết kiến vua Ai Cập và nói với vua rằng: ‘Chúa Hằng Hữu, Đức Chúa Trời của người Hê-bơ-rơ, đã hiện ra với chúng tôi. Vậy, xin cho chúng tôi đi đến một nơi trong hoang mạc, cách đây chừng ba ngày đường, để chúng tôi dâng tế lễ lên Đức Chúa Trời Hằng Hữu, Đức Chúa Trời của chúng ta.’

Nhưng Ta biết trước, trừ khi bị áp lực phi thường, vua Ai Cập sẽ không để cho người Ít-ra-ên đi đâu. Vì vậy, Ta sẽ vung tay hành hạ Ai Cập, làm nhiều phép lạ, rồi cuối cùng họ mới để dân Ta đi. Ta cũng sẽ khiến người Ai Cập rộng lòng, để khi ra đi, người Ít-ra-ên chẳng đi tay trắng. Phụ nữ Ít-ra-ên sẽ xin các người láng giềng và các bà chủ Ai Cập các món nữ trang bằng vàng, bằng bạc, và áo xống để mặc cho con cái mình. Như vậy, chính người Ai Cập lại bị người Ít-ra-ên tước đoạt của cải!”

Read More of Xuất Ai Cập 3