2 Sử Ký 31:2-21, 2 Sử Ký 32:1-33, 2 Sử Ký 33:1-20 VCB

2 Sử Ký 31:2-21

Ê-xê-chia tổ chức các thầy tế lễ và người Lê-vi thành những phân ban để lo việc dâng tế lễ thiêu và tế lễ bình an, và lo việc thờ phượng, cảm tạ, và ngợi tôn Chúa Hằng Hữu tại các cổng Đền Thờ. Vua cũng ấn định số tài sản vua dâng vào việc tế lễ hằng ngày trong Đền Thờ,31:3 Nt các cổng, các trại như các tế lễ thiêu dâng buổi sáng và buổi chiều; dâng ngày lễ Sa-bát, ngày trăng mới, và các ngày lễ lớn, như Luật Pháp Chúa Hằng Hữu đã ghi. Vua cũng bảo dân chúng Giê-ru-sa-lem dâng hiến phần mười cho các thầy tế lễ và người Lê-vi, để họ dâng trọn mình phục vụ theo như Luật Pháp Chúa Hằng Hữu đã ghi.

Người Ít-ra-ên lập tức hưởng ứng và đem dâng rất nhiều nông sản đầu mùa, ngũ cốc, rượu, dầu, mật, và các sản phẩm khác. Họ cũng dâng rất dồi dào phần mười mọi lợi tức. Người Ít-ra-ên và Giu-đa, cùng những người ở khắp các thành Giu-đa, cũng dâng phần mười về các bầy bò, bầy chiên và phần mười các phẩm vật biệt riêng ra thánh cho Chúa Hằng Hữu, là Đức Chúa Trời của họ, và họ chất thành từng đống. Họ bắt đầu đem phẩm vật đến dâng từ tháng ba, mãi đến tháng bảy mới xong. Vua Ê-xê-chia và các quan viên thấy các phẩm vật ấy, bèn ngợi tôn Chúa Hằng Hữu và chúc phước cho con dân Ít-ra-ên của Ngài.

Ê-xê-chia hỏi các thầy tế lễ và người Lê-vi: “Tất cả phẩm vật này từ đâu đến?”

Thầy Thượng tế A-xa-ria, thuộc họ Xa-đốc, tâu rằng: “Từ khi toàn dân bắt đầu dâng lễ vật vào Đền Thờ Chúa Hằng Hữu, chẳng những chúng tôi đủ ăn mà cũng còn dư lại rất nhiều. Chúa Hằng Hữu đã ban phước dồi dào cho dân Ngài, và đây là các phẩm vật còn thừa.”

Ê-xê-chia ra lệnh dọn các phòng chứa trong Đền Thờ Chúa Hằng Hữu. Khi đã dọn xong họ trung tín mang các lễ vật, phần mười, và các vật thánh vào Đền Thờ. Cô-na-nia, người Lê-vi, được cử chức cai quản kho tàng, em ông là Si-mê-i làm phụ tá. Những giám sát viên dưới quyền của họ gồm Giê-hi-ên, A-ra-ria, Na-hát, A-sa-ên, Giê-ri-mốt, Giô-xa-bát, Ê-li-ên, Gít-ma-kia, Ma-hát, và Bê-na-gia. Những người này đều do Vua Ê-xê-chia và A-xa-ria, người cai quản Đền Thờ Đức Chúa Trời, bổ nhiệm.

Cô-rê, con Im-na, người Lê-vi, người gác cổng tại Cửa Đông, giữ nhiệm vụ phân phối các lễ vật tự nguyện cho Đức Chúa Trời, các phẩm vật, và các lễ vật biệt riêng cho Chúa Hằng Hữu. Cô-rê có các phụ tá trung tín là Ê-đen, Min-gia-min, Giê-sua, Sê-ma-gia, A-ma-ria, và Sê-ca-nia. Họ phân phối những phẩm vật cho gia đình các thầy tế lễ trong thành, tùy theo ban thứ của họ, phẩm vật được chia đồng đều cho cả già lẫn trẻ. Họ chia phẩm vật cho những người nam từ ba tuổi trở lên, không kể ban thứ của họ trong gia phả. Phẩm vật cũng được chia cho những ai hằng ngày vào Đền Thờ Chúa Hằng Hữu phục vụ theo ban thứ của mình. Họ chia phẩm vật cho các thầy tế lễ có tên trong gia phả theo từng tộc họ, và người Lê-vi từ hai mươi tuổi trở lên được ghi danh theo công việc và ban thứ. Thực phẩm cũng được phân phát cho các gia đình có tên trong gia phả, bao gồm con nhỏ, vợ, con trai, và con gái. Vì họ đã trung tín trong việc thánh hóa mình.

Trong mỗi thành dành cho các thầy tế lễ, con cháu A-rôn, một thầy được chỉ định phân phối thực phẩm và vật dụng cho các thầy tế lễ và người Lê-vi có tên trong gia phả.

Vua Ê-xê-chia giải quyết thỏa đáng các vấn đề trong cả nước Giu-đa cách công minh chân thật trước mặt Chúa Hằng Hữu, Đức Chúa Trời của vua. Trong tất cả công tác từ việc phục vụ trong Đền Thờ Đức Chúa Trời, đến các vấn đề pháp luật và điều răn, Ê-xê-chia đều hết lòng tìm cầu Đức Chúa Trời, nên được thành công mỹ mãn.

Read More of 2 Sử Ký 31

2 Sử Ký 32:1-33

A-sy-ri Xâm Chiếm Giu-đa

Sau khi Ê-xê-chia trung tín các việc này, San-chê-ríp, vua A-sy-ri, xâm lăng nước Giu-đa. Ông bao vây các thành kiên cố và ra lệnh cho quân đội đánh phá thành. Ê-xê-chia nhận thấy San-chê-ríp sắp sửa đem quân tấn công Giê-ru-sa-lem, Ê-xê-chia liền triệu tập các quan chỉ huy và các quân sư quân đội, họ quyết định chận các ngọn suối bên ngoài thành. Toàn dân rất ủng hộ việc chận các khe suối chảy xuống các đồng bằng. Vì họ nói: “Tại sao để vua A-sy-ri đến đây và tìm được nhiều nước?”

Vua Ê-xê-chia củng cố thành lũy, tu bổ những chỗ đổ nát, kiến thiết thêm các công sự phòng thủ và xây thêm một vòng đai bọc quanh thành. Vua cũng tăng cường đồn lũy Mi-lô trong Thành Đa-vít và cho làm thêm một số lớn khí giới và khiên. Vua chỉ định nhiều quan chỉ huy quân đội trên dân chúng và triệu tập họ đến quảng trường tại cổng thành. Rồi Ê-xê-chia khích lệ họ: “Hãy mạnh dạn, anh dũng chiến đấu! Đừng sợ vua A-sy-ri và quân đội hùng mạnh của nó, vì có một năng lực vĩ đại hơn đang ở với chúng ta! Quân đội chúng đông đảo thật, nhưng cũng chỉ là con người. Còn chúng ta có Chúa Hằng Hữu là Đức Chúa Trời chúng ta, Ngài sẽ chiến đấu thay chúng ta!” Lời của Ê-xê-chia đã khích lệ dân chúng cách mạnh mẽ.

San-chê-ríp Đe Dọa Giê-ru-sa-lem

Trong khi San-chê-ríp, vua A-sy-ri, còn đang chỉ huy cuộc bao vây thành phố La-ki, ông sai thuộc hạ đến Giê-ru-sa-lem đe dọa Vua Ê-xê-chia của Giu-đa và toàn dân trong thành:

“Đây là điều San-chê-ríp, vua A-sy-ri nói: Các ngươi còn trông cậy và nương dựa vào ai một khi Giê-ru-sa-lem bị bao vây như thế? Vua Ê-xê-chia dùng mưu độc để tàn sát các ngươi, vì nếu ở lại trong thành các ngươi sẽ chết đói, chết khát! Vua ấy lừa bịp các ngươi rằng: ‘Chúa Hằng Hữu là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ giải cứu chúng ta khỏi tay vua A-sy-ri!’ Các ngươi quên rằng chính Ê-xê-chia đã tiêu diệt các miếu thờ và bàn thờ của Chúa Hằng Hữu sao? Vua còn ra lệnh cho cả Giu-đa và Giê-ru-sa-lem chỉ được thờ phượng và dâng tế lễ tại một bàn thờ duy nhất hay sao?

Các ngươi phải biết một khi ta và các vua A-sy-ri trước ta đã đem quân đánh nước nào, thì quân đội ta sẽ toàn thắng nước đó! Các thần của các nước đó không thể giải cứu đất nước họ khỏi tay ta. Có thần nào trong các nước mà tổ phụ ta quyết định tiêu diệt có khả năng giải cứu dân tộc mình khỏi tay ta? Điều gì khiến các ngươi nghĩ rằng Đức Chúa Trời có thể giải cứu các ngươi khỏi tay ta? Đừng để Ê-xê-chia lừa bịp hoặc gạt gẫm các ngươi! Đừng tin lời láo khoét của nó vì không có thần nào của dân tộc nào hay vương quốc nào có khả năng giải cứu dân mình khỏi tay ta và các tổ phụ, chắc chắn Chúa các ngươi không thể giải cứu các ngươi khỏi tay ta đâu!”

Các thuộc hạ San-chê-ríp cũng nói phạm thượng đến Chúa Hằng Hữu, Đức Chúa Trời và nhục mạ đầy tớ Ngài là Ê-xê-chia. Vua cũng viết nhiều thư báng bổ Chúa Hằng Hữu, Đức Chúa Trời của Ít-ra-ên. Ông viết: “Các thần của các nước đã không giải cứu được dân tộc mình khỏi tay ta, thì Đức Chúa Trời của Ê-xê-chia cũng không thể giải cứu dân tộc mình thể ấy.” Các quan chỉ huy A-sy-ri dùng tiếng Hê-bơ-rơ nói lớn cho dân chúng đang ở trên thành lũy nghe khiến dân chúng sợ hãi để thừa cơ hội chiếm đóng thành. Họ báng bổ Đức Chúa Trời của Giê-ru-sa-lem, coi Ngài như các thần của các nước khác và do tay con người làm ra.

Vua Ê-xê-chia và Tiên tri Y-sai, con A-mốt, cùng cầu nguyện, kêu la thấu nơi ngự của Đức Chúa Trời trên trời. Chúa Hằng Hữu sai một thiên sứ tiêu diệt quân đội A-sy-ri cùng các tướng và các quan chỉ huy. San-chê-ríp nhục nhã rút lui về nước. Khi vua vào đền thờ thần mình để thờ lạy, vài con trai của vua giết vua bằng gươm.

Chúa Hằng Hữu đã giải cứu Ê-xê-chia và toàn dân Giê-ru-sa-lem khỏi tay San-chê-ríp, vua A-sy-ri và tất cả thù nghịch. Vậy, đất nước được hưởng thái bình, thịnh trị. Từ ngày đó, nhiều người trong các dân tộc dâng lễ vật lên Chúa Hằng Hữu tại Giê-ru-sa-lem và đem nhiều tặng phẩm quý giá cho Vua Ê-xê-chia. Tất cả các dân tộc lân bang đều tôn trọng Vua Ê-xê-chia.

Ê-xê-chia Mắc Bệnh và Bình Phục

Vào lúc ấy, Ê-xê-chia đau nặng gần chết. Vua cầu khẩn Chúa Hằng Hữu, Chúa liền đáp lời và cứu vua bằng một phép lạ. Tuy nhiên, Ê-xê-chia không nhớ ơn lớn của Chúa, lại còn lên mặt kiêu ngạo. Vì thế Chúa Hằng Hữu nổi giận cùng vua, toàn dân Giu-đa, và Giê-ru-sa-lem. Nhưng vì Ê-xê-chia và Giê-ru-sa-lem hạ mình xuống trước mặt Chúa, nên cơn thịnh nộ của Chúa Hằng Hữu không đổ xuống trong đời Ê-xê-chia.

Ê-xê-chia trở nên rất giàu có, danh tiếng vẻ vang khắp nơi. Vua xây cất nhiều kho tàng để chứa các bảo vật bằng vàng, bạc, ngọc, và hương liệu, cùng các khiên và khí dụng quý giá. Vua cũng dựng nhiều kho chứa ngũ cốc, rượu mới, và dầu ô-liu, cùng nhiều chuồng để nuôi đủ loại súc vật. Vua cũng có rất nhiều bầy chiên, bầy dê. Vua xây cất nhiều thành, và Đức Chúa Trời ban phước cho vua rất dồi dào. Vua xây đập nước Ghi-hôn, để dẫn nước vào khu vực phía tây Thành Đa-vít qua hệ thống dẫn thủy. Việc nào vua làm cũng thành công tốt đẹp.

Tuy nhiên, khi các sứ giả Ba-by-lôn đến chầu Vua Ê-xê-chia vì nghe nói vua đau nặng rồi được chữa lành bằng một phép lạ thì Đức Chúa Trời để cho vua một mình đối phó với tình thế, nhằm mục đích thử lòng vua.

Tóm Lược Đời Trị Vì của Vua Ê-xê-chia

Các công việc của Vua Ê-xê-chia với các thành quả tốt đẹp, đều được ghi trong Sách Khải Tượng của Tiên Tri Y-sai, Con A-mốt và Sách Sử Ký Các Vua Giu-đa và Ít-ra-ên. Ê-xê-chia qua đời, được an táng trong lăng mộ hoàng gia, toàn dân Giu-đa và Giê-ru-sa-lem đều ca tụng vua trong lễ quốc táng. Con trai vua là Ma-na-se lên ngôi kế vị.

Read More of 2 Sử Ký 32

2 Sử Ký 33:1-20

Ma-na-se Cai Trị Giu-đa

Ma-na-se được mười hai tuổi khi lên ngôi và cai trị năm mươi lăm năm tại Giê-ru-sa-lem. Vua làm điều ác trước mặt Chúa Hằng Hữu và bắt chước các thói tục ghê tởm của các dân tộc nên bị Chúa trục xuất trước mắt người Ít-ra-ên. Vua xây cất lại các miếu tà thần mà Ê-xê-chia, cha mình đã phá đổ. Vua lập bàn thờ thần Ba-anh, tạc tượng các thần A-sê-ra. Vua cũng thờ lạy và phụng sự các ngôi sao trên trời.

Vua xây các bàn thờ tà thần ngay trong Đền Thờ Chúa Hằng Hữu, là nơi Chúa Hằng Hữu đã phán: “Ta sẽ đặt Danh Ta tại Giê-ru-sa-lem mãi mãi.” Vua xây bàn thờ cho tất cả tinh tú trên trời trong hai hành lang Đền Thờ Chúa Hằng Hữu. Ma-na-se còn dâng các con trai mình cho tà thần qua ngọn lửa trong thung lũng Bên Hi-nôm. Vua cũng theo quỷ thuật, bói khoa, phù phép, và dùng các đồng cốt và thầy phù thủy. Vua tiếp tục làm đủ thứ tội ác trước mặt Chúa Hằng Hữu để chọc giận Ngài.

Vua đặt một tượng tà thần mà vua đã tạc vào Đền Thờ Đức Chúa Trời, dù Đức Chúa Trời đã phán bảo Đa-vít và con người là Sa-lô-môn: “Ta sẽ mãi mãi đặt Danh Ta tại Đền Thờ này trong thành Giê-ru-sa-lem mà Ta đã chọn giữa các đại tộc Ít-ra-ên. Ta sẽ không trục xuất dân này khỏi đất nước Ta đã ban cho tổ phụ họ, nếu họ cẩn thận tuân hành mọi điều Ta dạy trong luật pháp, các giới răn, và mệnh lệnh do Môi-se truyền lại.” Nhưng Ma-na-se lôi kéo toàn dân Giu-đa và Giê-ru-sa-lem phạm tội ác còn ghê tởm hơn các dân tộc mà Chúa Hằng Hữu đã tiêu diệt trước khi người Ít-ra-ên tiến vào vùng đất đó.

Chúa Hằng Hữu cảnh cáo Ma-na-se và toàn dân nhưng họ không chịu nghe. Vì thế, Chúa Hằng Hữu sai các tướng chỉ huy quân đội A-sy-ri đến bắt Ma-na-se làm tù binh. Chúng dùng móc sắt, xiềng lại bằng xích đồng và dẫn vua qua Ba-by-lôn. Gặp hoạn nạn khủng khiếp, Ma-na-se mới tìm kiếm Chúa Hằng Hữu là Đức Chúa Trời của mình và hết sức hạ mình trước mặt Đức Chúa Trời của tổ phụ mình. Khi vua cầu nguyện, Chúa Hằng Hữu nhậm lời, lắng nghe lời van nài của vua. Vậy, Chúa Hằng Hữu đem vua về Giê-ru-sa-lem và vương quốc của vua. Ma-na-se nhìn biết rằng chỉ có Chúa Hằng Hữu là Đức Chúa Trời!

Sau đó, Ma-na-se xây tường lũy rất cao quanh Thành Đa-vít, phía tây Ghi-hôn trong Thung lũng Kít-rôn cho đến tận Cổng Cá, bọc quanh Ô-phên. Vua bổ nhiệm các tướng chỉ huy quân đội để phòng thủ các thành kiên cố trong nước Giu-đa. Ma-na-se dẹp bỏ các thần nước ngoài, các hình tượng vua đã dựng trong Đền Thờ Chúa Hằng Hữu và phá bỏ các bàn thờ tà thần vua đã xây trên đồi thuộc khu vực của Đền Thờ và tại Giê-ru-sa-lem, rồi vứt hết ra bên ngoài thành. Rồi vua xây bàn thờ cho Chúa Hằng Hữu, dâng các tế lễ bình an cùng cảm tạ và bảo toàn dân Giu-đa phụng sự Chúa Hằng Hữu là Đức Chúa Trời của Ít-ra-ên. Tuy nhiên, dân chúng vẫn còn dâng tế lễ trên các đỉnh núi đồi, dù chỉ có Chúa, là Đức Chúa Trời của họ.

Các việc trị vì của Ma-na-se, lời vua cầu nguyện với Đức Chúa Trời, các sứ điệp của các nhà tiên tri nhân danh Chúa Hằng Hữu, Đức Chúa Trời của Ít-ra-ên nói với vua đều được chép trong Sách Các Vua Ít-ra-ên. Bài cầu nguyện của Ma-na-se, cách Đức Chúa Trời nhậm lời, cũng như các tội ác, vi phạm của vua, các địa điểm vua lập các miếu thờ, các hình tượng, tượng thần A-sê-ra và tượng chạm trong thời gian vua chưa hạ mình đầu phục Chúa đều được chép trong Ký Lục của Nhà Tiên Kiến. Ma-na-se qua đời, được an táng ngay trong hoàng cung. Con vua là A-môn lên ngôi kế vị cha.

Read More of 2 Sử Ký 33